Tường thuật: Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Long An
25/07/2023
Sáng 25/7, tại TP Tân An (tỉnh Long An), UBND tỉnh Long An phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tham dự Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, cơ quan Trung ương; đại diện các đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam; lãnh đạo một số tỉnh, thành phố trong nước; lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp, tập đoàn, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Văn Được – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Long An phát biểu khai mạc sự kiện
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Văn Được – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Long An nhấn mạnh Long An có vị trí chiến lược quan trọng trong an ninh quốc gia, là trung tâm kết nối giữa Đông Nam bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có vị trí giao thoa kinh tế văn hóa khi tiếp giáp TP.HCM và có đường biên giới dài 134km tiếp giáp Campuchia, thuận lợi cho phát triển kinh tế của Long An nói riêng và lan tỏa tích cực tới sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Năm 2022, quy mô nền kinh tế của tỉnh Long An đạt hơn 156.000 tỷ đồng, xếp thứ 12 cả nước, cuộc sống người dân được cải thiện khi chỉ số GRPD bình quân đầu người đạt hơn 90 triệu đồng/ người, đạt top 10 cả nước trong việc thu hút vốn FDI (khoảng 10 tỷ USD), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI đạt top 10 cả nước, chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 8 cả nước, lĩnh vực văn hóa xã hội tiếp tục phát triển bền vững, tình hình chính trị ổn định.
Việc Long An hoàn thành việc lập quy hoạch là cơ sở và tiền đề quan trọng để lãnh đạo tỉnh xây dựng Long An thành trung tâm kinh tế bền vững, hiệu quả, thành hành lang kinh tế đô thị của vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Ông Nguyễn Văn Được khẳng định tỉnh Long An cam kết luôn chào đón, đồng hành và tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư thực hiện các dự án tại tỉnh nhà, với quan điểm xem người dân, doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm phục vụ; doanh nghiệp là động lực, nguồn lực cho quá trình phát triển.
Công bố Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Triển khai thực hiện Luật Quy hoạch năm 2017, tỉnh Long An đã tích cực lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Qua hơn 2 năm thực hiện, ngày 13/6/2023 Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 686/QĐ-TTg. Long An cũng là địa phương thứ 10 trên cả nước và là địa phương đầu tiên của khu vực phía Nam được phê duyệt quy hoạch.
Ông Nguyễn Minh Lâm- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Quy hoạch đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Long An là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam; trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị – công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; kết nối chặt chẽ với TP.HCM và vùng Đông Nam bộ; đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia. Hình thành được các hành lang kinh tế, vùng, trung tâm phát triển và đô thị động lực; thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Cụ thể, về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 9%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 180 triệu đồng.
Tỷ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 7,5%; khu vực công nghiệp – xây dựng khoảng 61,8%; khu vực dịch vụ khoảng 24,2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 6,5%.
Về xã hội, dân số tăng bình quân khoảng 1%/năm; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40%.
Phấn đấu 100% xã đạt chuẩn Nông thôn mới, có 53% xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao; có 12 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn Nông thôn mới hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới.
Tỷ lệ đô thị hoá khoảng 55%; bảo đảm 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và các công trình văn hóa cấp đô thị.
Tầm nhìn đến năm 2050, Long An là tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có trình độ phát triển tương đương các tỉnh phát triển khá của vùng Đông Nam bộ. Xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn và văn minh; con người phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh Long An
Theo Quy hoạch, tỉnh Long An tổ chức các hoạt động kinh tế – xã hội theo mô hình “một trung tâm, hai hành lang kinh tế, ba vùng kinh tế – xã hội, sáu trục động lực”.
Thành phố Tân An là trung tâm chính trị – hành chính – đô thị hạt nhân – đô thị vệ tinh của Thành phố Hồ Chí Minh; là trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, hiện đại phía Đông Bắc của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hai hành lang kinh tế gồm Hành lang đường Vành đai 3 – 4 (bám dọc theo các trục đường Vành đai 3, Vành đai 4 của TP.HCM) và Hành lang phát triển phía Nam (bám dọc theo trục động lực liên tỉnh từ TP.HCM đi qua tỉnh Long An và kết nối với tỉnh Tiền Giang (qua trục quốc lộ 50B).
Ba vùng kinh tế – xã hội gồm: Vùng đô thị và công nghiệp (bao gồm các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, một phần huyện Tân Trụ, thành phố Tân An, một phần huyện Thủ Thừa và huyện Châu Thành; Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch và kinh tế cửa khẩu (bao gồm thị xã Kiến Tường và các huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, một phần huyện Thủ Thừa; Vùng đệm sinh thái (bao gồm huyện Đức Huệ, một phần huyện Thủ Thừa và một phần huyện Tân Trụ).
Hình minh họa
Sáu trục động lực kinh tế gồm: Trục động lực Vành đai 3 – Vành đai 4: Kết nối tỉnh Long An với vùng Đông Nam Bộ – TP.HCM; kết nối sân bay Quốc tế Long Thành – cảng Long An. Hai là Trục động lực quốc lộ 50B: Kết nối TP.HCM – Long An – Tiền Giang. Ba là Trục động lực song hành quốc lộ 62: Kết nối thành phố Tân An – khu kinh tế cửa khẩu Long An – vùng Đồng Tháp Mười.
Thứ tư là Trục động lực Mỹ Quý Tây – Lương Hoà – Bình Chánh: Kết nối cửa khẩu Mỹ Quý Tây – vùng đô thị, công nghiệp ở huyện Bến Lức và TP.HCM. Năm là Trục động lực quốc lộ N1: Kết nối Long An với vùng Đồng bằng sông Cửu Long – vùng Đông Nam Bộ – vùng Tây Nguyên.
Cuối cùng là Trục động lực Đức Hoà: Kết nối cửa khẩu Quốc gia Mỹ Quý Tây và các khu công nghiệp, đô thị vùng huyện Đức Hoà, Bến Lức với TP.HCM.
Chia sẻ tại Hội nghị, đại diện các nhà đầu tư thực hiện dự án tại Long An đánh giá cao những tiềm năng, thế mạnh của Long An; đồng thời mong muốn đến Long An để tìm hiểu cơ hội đầu tư. Các đại biểu cũng khẳng định Hội nghị là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đối với Long An, là cơ hội để lan tỏa về tư duy phát triển, về tầm nhìn và thu hút đầu tư trong giai đoạn hiện nay.
Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group cũng cho biết Đồng Tâm Group vinh dự được đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Long An thông qua việc đầu tư, xây dựng và khai thác Cảng biển – Cảng Quốc tế Long An. Riêng Khu Cảng 147ha có công suất khai thác dự kiến là 3 triệu TEU hàng container và 10 triệu tấn hàng hóa tổng hợp. Trong tổng thể dự án, còn có Khu Công nghiệp, Khu Dịch vụ và Khu Đô thị nằm liền kề khu Cảng.
Ông Võ Quốc Thắng phát biểu tại Hội nghị
“Theo chúng tôi, điều kiện tiên quyết trong thời điểm này là tối ưu hóa mọi nguồn lực sẵn có để duy trì tăng trưởng, đồng thời tạo ra những cơ hội mới trong dài hạn. Rất mong Chính phủ quan tâm tạo điều kiện hoạt động của các cảng biển có quy mô lớn, trở thành mắt xích quan trọng trong mạng lưới vận tải hàng quốc tế, hướng đến xây dựng một hệ thống cảng biển đồng bộ với hạ tầng logistics và các tuyến giao thông kết nối”, ông Thắng nói thêm.
Dịp này, lãnh đạo tỉnh Long An đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 9 nhà đầu tư với 9 dự án, tổng vốn đăng ký khoảng 40.400 tỷ đồng (tương đương 1.720 triệu USD).
Trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư
Ngoài ra, tỉnh Long An cũng ký Biên bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư với 10 nhà đầu tư trong các lĩnh vực hạ tầng, công nghiệp, đô thị, môi trường, khu phức hợp vui chơi giải trí, nhà ở xã hội, nông nghiệp công nghệ cao.
Trao Biên bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư cho các nhà đầu tư
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Biến tiềm lực thành nguồn lực để phát triển
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh Long An là vùng đất địa linh nhân kiệt, thời kỳ nào cũng có con người Long An đóng góp cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Không chỉ là nơi hội tụ, giao thoa văn hóa của nhiều vùng miền, Long An còn là trung tâm kết nối kinh tế – xã hội của trục Đông – Tây, Nam – Bắc, ven biển.
Cho rằng Long An đã có nhiều kinh nghiệm và tiềm lực sau nhiều năm thực hiện đổi mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Long An phải biến những tiềm lực thành nguồn lực để phát triển, đồng thời, hóa giải những thách thức, yếu kém còn tồn tại.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị
Theo đó, tỉnh Long An cần tự lực tự cường đi lên từ nội lực, phát huy lợi thế về vị trí địa lý, con người, văn hóa – lịch sử… Mặt khác, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, trong sạch.
Trong thời gian tới, tỉnh Long An khẩn trương triển khai đồng bộ Quy hoạch tỉnh gắn với quy hoạch vùng Đồng bằng song Cửu Long; Ưu tiên bố trí nguồn lực tổ chức các hoạt động kinh tế – xã hội theo mô hình “một trung tâm, hai hành lang kinh tế, ba vùng kinh tế – xã hội, sáu trục động lực”. Đảm bảo tính liên kết đồng bộ trong tỉnh, giữa tỉnh Long An và khu vực.
Nâng cao năng lực cạnh tranh giữa trên chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển đi vào chiều sâu, góp phần chống biến đổi khí hậu. Kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội, đẩy mạnh hợp tác công tư để phát triển hạ tầng chiến lược.
Nhấn mạnh yếu tố con người, Thủ tướng yêu cầu Long An tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư giáo dục, đào tạo nhân tài. Bên cạnh đó, quan tâm nâng cao công tác đối ngoại, hội nhập sâu rộng nhưng vẫn đảm bảo tính tự chủ.
Đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính khuyến khích xây dựng chiến lược đầu tư, kinh doanh lâu dài, thực hiện đúng cam kết, nghiêm túc, đảm bảo tuân thủ luật pháp và Quy hoạch của địa phương. Thực hiện tốt văn hóa kinh doanh, hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro.
Thủ tướng cũng kêu gọi doanh nghiệp đồng hành chính quyền các cấp và nhân dân, đảm bảo chế độ chính sách cho người lao động, tham gia công tác an sinh xã hội.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kỳ vọng từ Hội nghị ngày hôm nay, tỉnh Long An sẽ sớm đạt được những kết quả cụ thể, đưa Long An phát triển nhanh và bền vững, góp phần vào sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Nguồn: nongthonviet.com.vn/