Nhiều doanh nghiệp nhựa mong được vay để tận dụng nguồn nguyên liệu giá rẻ. Trong ảnh: sản xuất nhựa gia dụng tại Công ty TNHH nhựa Phước Thành – Ảnh: T.V.N.
Giúp doanh nghiệp chớp cơ hội
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương cho hay, qua đại dịch, các chính sách phục hồi và điều hành kinh tế sẽ không như trước đây. Ông cho rằng cần tính đến các chính sách chưa từng có tiền lệ vì dịch COVID-19 là “cuộc khủng hoảng lạ lùng nhất”. Vì vậy, cần có những chính sách chưa từng có để phù hợp với bối cảnh hiện tại.
Thứ trưởng Phương tiết lộ tới đây Bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ cùng các bộ, ngành trình Chính phủ một nghị quyết nữa với các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội “sâu hơn, nặng hơn” để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp (DN), cũng như tập trung vào các giải pháp đầu tư công.
Trong khi đó, ông Trần Việt Anh – chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP.HCM – cho hay DN ngành nhựa gặp hàng loạt khó khăn do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 như thị trường xuất khẩu chính là châu Âu, Nhật, Mỹ bị “chặn” vì dịch. DN thế chấp vay vốn rồi nhưng hàng không đi được.
Tuy nhiên DN ngành nhựa đang đứng trước cơ hội rất lớn là giá nguyên liệu nhựa xuống đáy. “Ngân hàng nên tăng hạn mức cho vay để DN có vốn tích trữ nguyên liệu đủ sản xuất đến hết năm 2021, vì chắc chắn sau đó giá nguyên liệu sẽ tăng mạnh. Ngoài ra cần nới lỏng điều kiện cho vay USD, chỉ cần xem dòng tiền của DN trong thời gian gần đây, có ngoại tệ về hay không và tăng hạn mức cho vay thay vì chỉ một số ít DN được tiếp cận vốn ngoại tệ như hiện nay” – ông Trần Việt Anh kiến nghị.
Không chỉ đề nghị nới hạn mức, nhiều ý kiến cho rằng cần giảm thêm lãi suất cho vay. TS Trần Hùng Sơn – phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng – cho rằng dù đã giảm nhưng lãi suất cho vay vẫn còn là gánh nặng. Trong bối cảnh lạm phát ở dưới 4%, NHNN vẫn còn có thể giảm thêm lãi suất để hỗ trợ DN. Những DN hồi phục nhanh sẽ giúp nâng đỡ nền kinh tế và từ đó tác động lan tỏa để các DN khác phục hồi. Như vậy, chính sách cần có sự tập trung theo nhóm ngành chứ không nên dàn trải, thiếu tập trung.
Sẽ nới lỏng tín dụng khi cần
Trả lời đề xuất của DN, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết tăng trưởng tín dụng của toàn ngành ngân hàng tính đến đầu tháng 5 mới đạt 1,2%. Đối với khu vực DN vừa và nhỏ (SME) lại giảm 0,8%.
Dệt may cũng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 – Ảnh: TTO
“Năm nay, NHNN đưa ra hạn mức tăng trưởng tín dụng hằng năm là 13-14%. Tuy nhiên hạn mức đó được đưa ra thời điểm chưa xảy ra dịch COVID-19. Còn hiện nay nền kinh tế khó khăn do vừa trải qua đại dịch COVID-19. Tình hình đã khác, nhiều DN có những khoản vay trước đây chưa trả được nợ nhưng muốn vay thêm để duy trì hoạt động. Về phía NHNN sẽ cam kết đáp ứng đủ vốn cho nền kinh tế. Cần thiết sẽ nới thêm hạn mức tín dụng, tạo khả năng cho vay cho các ngân hàng” – ông Tú khẳng định.
Tuy nhiên, ông Tú cũng lưu ý rằng các ngân hàng sẽ không hạ chuẩn cho vay vì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho nền kinh tế.
Cần chính sách táo bạo
Theo ông Võ Quốc Thắng, chủ tịch Đồng Tâm Group, thông tư số 22/2019 của NHNN yêu cầu tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung – dài hạn theo lộ trình: Từ ngày 1-1- 2020 đến hết ngày 30-9-2020: 40%. Từ ngày 1-10-2020 đến hết ngày 30-9-2021: 37%. Đến hết ngày 30-9-2022 về mức 34% và từ ngày 1-10-2022 còn 30%.
Đặc thù của người Việt Nam là thường gửi kỳ hạn ngắn (tỷ lệ cao nhất rơi vào những khách hàng gửi từ 3 đến 6 tháng). Tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn bị khống chế ở mức 40% từ đầu năm 2019.
Định hướng này là nhằm giảm rủi ro thanh khoản của hệ thống Ngân hàng, điều này đúng và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, trước tình hình khó khăn hiện nay, doanh nghiệp rất cần nguồn vốn trung và dài hạn để ổn định và khôi phục lại hoạt động, ông Thắng cho rằng NHNN và Chính phủ nên xem xét gia hạn thời gian áp dụng tỷ lệ này thêm 2 năm và điều chỉnh tỷ lệ ở mức 40% tính đến 31-12-2021. Nếu tình hình tốt trở lại, thực hiện theo đúng lộ trình giảm tỷ lệ này về 30% vào tháng 10-2024.
Về tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi, ngân hàng đang phải tuân thủ tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi là 85%. Nhằm giảm áp lực cạnh tranh huy động vốn trên thị trường, tạo điều kiện cho các Ngân hàng có thể cung ứng thêm vốn cho nền kinh tế với lãi suất thấp hơn trong phạm vi rủi ro thanh khoản có thể kiểm soát được, ông Võ Quốc Thắng đề xuất nâng tỷ lệ này lên thành 90%, khi đó Ngân hàng có thể cho vay ngay 5% trên số vốn đã huy động.
Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng công bố tại hội thảo cũng nhấn mạnh rằng gói kích thích hiện nay chỉ có tác động giới hạn đối với DN đang lâm vào tình trạng kiệt quệ tài chính vì các chính sách chỉ làm giảm hoặc ngăn dòng tiền ra của DN. Chưa có chính sách hỗ trợ làm tăng dòng tiền vào của DN.
Sẽ có những DN đã phải ngưng hoạt động và có thể phải giải thể hoặc phá sản trước khi cải thiện được dòng tiền. Vì vậy, phải bơm tiền thực cho DN mới tạo nhiên liệu kích hoạt cỗ máy kinh doanh tái khởi động.
Theo tuoitre.vn