Chương trình bình ổn thị trường TP HCM đã tạo được sức lan tỏa, chuyển biến mạnh mẽ về tư duy từ nhận thức “bình ổn giá” sang “bình ổn thị trường”

TP HCM vừa tổ chức lễ kỷ niệm 15 năm chương trình bình ổn thị trường. Buổi lễ diễn ra ngắn gọn trong hơn 2 giờ giữa không gian mở ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, được truyền hình trực tiếp trên truyền hình. Lần đầu tiên, một buổi tổng kết không có phát biểu chào mừng, chỉ đạo, không giới thiệu dông dài mà toàn bộ thời gian dành cho phóng sự, tài liệu… về chương trình suốt 15 năm qua.

Góp phần kiểm soát thị trường

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết sau 15 năm triển khai, bình ổn thị trường đã trở thành một trong những chương trình mang thương hiệu riêng của TP HCM. Chương trình đã tạo được sự lan tỏa, có sức hút mạnh mẽ và quy tụ một lượng lớn doanh nghiệp (DN) chủ lực của TP tham gia, tư duy cũng chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức “bình ổn giá” sang “bình ổn thị trường”.

Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, tính từ năm 2002 đến nay, chương trình bình ổn thị trường đã lan tỏa mạnh mẽ và đi vào chiều sâu. Khởi đầu từ bình ổn giá mùa Tết, đến nay, chương trình đã chuyển sang bình ổn thị trường thực hiện xuyên suốt cả năm. Chương trình đã hoàn thành tốt mục tiêu thúc đẩy cung cầu hàng hóa sản phẩm cho thị trường, phát triển nhanh hệ thống phân phối, đưa hàng đến người tiêu dùng nhanh nhất. Ngoài ra, chương trình cũng trở thành công cụ điều tiết hữu hiệu, góp phần kiểm soát thị trường. Qua đó, giá cả các mặt hàng thiết yếu tại TP HCM luôn được kiểm soát tốt, không bị “nhảy múa”, làm giá ngay cả trong những đợt cao điểm mua sắm lễ, Tết.

ca-rot
Chương trình bình ổn thị trường TP HCM hiện được thực hiện xuyên suốt cả năm Ảnh: Tấn Thạnh

Phát huy thành tựu của chương trình bình ổn thị trường lương thực thực phẩm, TP HCM đã mở rộng thêm 3 nhóm hàng khác là bình ổn thị trường mùa khai giảng, thị trường sữa và thị trường tân dược. Từ chỗ chưa xác định cụ thể, đến nay, danh mục hàng hóa tham gia chương trình đã có 40 mặt hàng thiết yếu trong 4 nhóm mặt hàng vừa nêu. Các DN tham gia chương trình cũng được mở rộng với tất cả thành phần kinh tế – từ DN nhà nước, HTX đến DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Về cơ cấu vốn, từ năm 2013 đến nay, các DN tham gia bình ổn thị trường TP HCM đã không nhận vốn hỗ trợ (lãi suất 0%) từ ngân sách nhà nước mà chuyển sang xã hội hóa từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại tham gia chương trình. “TP HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước không sử dụng ngân sách để thực hiện chương trình bình ổn thị trường. Đây được xem là bước tiến lớn trong quá trình cải tiến sáng tạo huy động hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội, an sinh xã hội” – bà Trang nhận xét.

Doanh nghiệp và người tiêu dùng đều có lợi

Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết nhờ các DN tham gia chương trình liên kết nhau dẫn dắt thị trường nên giữ được sự ổn định giá. Khi chưa có chương trình bình ổn, thương nhân luôn tích trữ hàng trước, chờ đến Tết để nâng giá lên. Từ khi có chương trình, trước Tết 1 tháng, DN tham gia bình ổn cam kết không tăng giá và dần dần đánh tan tâm lý tích trữ hàng hóa Tết.

Bên cạnh đó, các DN bình ổn luôn bảo đảm nguồn hàng dồi dào. Khi thị trường biến động, DN sẽ có ngay lượng hàng đáp ứng, không để xảy ra tình trạng khan hiếm. Nhờ vậy mà người dân TP HCM, đặc biệt là người lao động nghèo, luôn được tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu với giá bình ổn, chất lượng bảo đảm không chỉ trong ngày thường mà cả những dịp lễ, Tết. Điển hình là mặt hàng trứng gia cầm, thủy cầm gần như được giữ ổn định trong vòng 10 năm nay.

Không chỉ người tiêu dùng, bản thân DN tham gia cũng được hưởng nhiều quyền lợi từ chương trình. Danh hiệu “DN tham gia bình ổn thị trường” đã giúp các đơn vị xác lập được sự tín nhiệm của đối tác, người tiêu dùng. Chính sách hỗ trợ của TP giúp DN mở rộng hệ thống phân phối, đầu tư sản xuất – kinh doanh, xây dựng vùng nguyên liệu, hoàn thiện chuỗi cung ứng…

Hầu hết các DN đều lớn mạnh, vững vàng cùng với sự phát triển của chương trình bình ổn thị trường. Sản phẩm bình ổn thị trường, theo hệ thống điểm bán hàng bình ổn, đã hiện diện khắp nơi. Chẳng hạn, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) đã xây dựng được 3 siêu thị SATRA và trên 100 điểm thuộc chuỗi bán lẻ SATRA Food, trở thành một trong những đầu mối xuất khẩu gạo. Liên hiệp HTX Thương mại Sài Gòn – Saigon Co.op cũng phát triển nhanh, đa dạng mạng lưới bán lẻ với nhiều mô hình khác nhau. Vĩnh Thành Đạt tăng gấp 3 lần số điểm bán; Công ty Ba Huân đầu tư nhà máy giết mổ chế biến, trang trại chăn nuôi gà và xây nhà máy tại Hà Nội; Công ty San Hà cũng đầu tư lớn để mở rộng nhà xưởng, hệ thống phân phối…

Theo nld.com.vn