Trong 2 ngày (28 và 29/11), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016.

hinh- anh

Thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2016, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp và tình hình đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, các DN, nền kinh tế tiếp tục phục hồi và tăng trưởng. Sản xuất công nghiệp có chuyển biến. Nhiều ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 ước tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước và tính chung 11 tháng năm 2016. Chỉ số này tăng khoảng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất nông nghiệp từng bước được phục hồi. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng năm 2016 ước tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam 11 tháng ước đạt khoảng 9 triệu lượt khách, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu hàng hóa đã lấy lại đà tăng trưởng. Tổng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng ước tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2015. Các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được đảm bảo và khá ổn định. Dự trữ ngoại hối và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng.

Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Các cân đối lớn của nền kinh tế chưa thật vững chắc. Tiến độ thu ngân sách đạt thấp, nhất là thu ngân sách Trung ương. Buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng chưa được xử lý dứt điểm. Hoạt động của DN còn khó khăn. Đời sống một bộ phận người dân ở các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng thiên tai, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, vùng bị ô nhiễm môi trường, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn;…

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh những kết quả về kinh tế – xã hội đạt được trong tháng 11 và 11 tháng năm 2016 là tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiệm vụ của tháng 12 và năm 2017 là hết sức nặng nề, Thủ tướng yêu cầu từng thành viên Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm hành động, đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, nói đi đôi với làm; tăng cường kỷ luật kỷ cương; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ, nỗ lực phấn đấu thực hiện đạt cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016 và triển khai quyết liệt kế hoạch 2017 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm.

Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải nỗ lực trong tháng 12 để đạt được tăng trưởng quý IV ít nhất 7,1 – 7,3%, để cả năm đạt khoảng 6,3 – 6,5%. Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT và các bộ ngành quản lý các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ… có biện pháp chỉ đạo điều hành quyết liệt, hiệu quả để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã báo cáo Trung ương Đảng, Quốc hội.

Trong xây dựng thể chế, Thủ tướng nhấn mạnh, để xây dựng Chính phủ, hệ thống hành chính nhà nước kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, DN thì điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất là phải tập trung cải cách, hoàn thiện thể chế. Đây cũng là một đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2020. Các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương phải tập trung làm tốt nhiệm vụ này, trong đó phải tạo được thể chế tốt, thuận lợi với cơ chế chính sách đột phá để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển; đồng thời tổ chức triển khai thực hiện tốt, đưa chính sách vào cuộc sống.

Đề cập đến kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các Bộ, ngành, địa phương không được chủ quan trong chỉ đạo điều hành từng lĩnh vực, phải theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế và trong nước để có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời để bảo đảm ổn định vĩ mô, ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát không quá 5%.

Các Bộ, ngành, địa phương phải thực hiện hiệu quả các giải pháp để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay; tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng; tập trung ổn định thị trường vàng, ngoại tệ, đặc biệt lưu ý tránh biến động lớn về tỷ giá trong thời điểm cuối năm, gây ảnh hưởng đến lạm phát…

Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT và các bộ ngành quản lý các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ… có biện pháp chỉ đạo điều hành quyết liệt, hiệu quả để đạt được mục tiêu tăng trưởng.

 Theo baoxaydung.com.vn