Hệ thống định mức xây dựng hiện hành đã quá lỗi thời, không còn phù hợp với nguyên tắc quản lý chi phí đầu tư xây dựng hiện hành. Thế nên, việc áp “cứng” định mức thường gây thất thoát vốn nhà nước, chỉ có lợi cho chủ đầu tư, doanh nghiệp.

Ưa áp “cứng” định mức để có lợi

Còn nhớ vào năm 2016, người dân cả nước không khỏi kinh ngạc khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã từng công bố, sau 6 lần họp, TP Hà Nội mới làm rõ được khoản tiền hơn 800 tỷ đồng mỗi năm hầu như chỉ để chi cho việc cắt cỏ, chưa có chăm sóc cây xanh. Sau khi rà soát lại, TP Hà Nội giảm chi phí này xuống còn khoảng 178 tỷ đồng, tiết kiệm 708 tỷ đồng.

161325baoxaydung image001
Sau 6 lần họp, TP Hà Nội mới làm rõ được khoản tiền hơn 800 tỷ đồng mỗi năm hầu như chỉ để chi cho việc cắt cỏ, chưa có chăm sóc cây xanh.
Trước đó, năm 2013, Đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Thạch (thuộc đoàn Hà Nội) góp ý cho Luật Đầu tư công cho biết: Làm đường cao tốc Việt Nam chi phí đến 12 triệu USD/km, trong khi Trung Quốc làm chỉ có 5 triệu USD/km, còn Mỹ thì chỉ mất 4,5 triệu USD/km.

Câu chuyện chi phí cắt cỏ hay làm đường giao thông không phải là điều mới lạ đối với các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành. Nhiều chuyên gia và chủ đầu tư tư nhân luôn chỉ ra rằng, định mức công bố hiện hành đã quá lỗi thời, nó được xác định là mức bình quân cho một điều kiện hoạt động xây dựng bình thường, tại một thời điểm nhất định. Thế nên, khi hoạt động xây dựng thay đổi sẽ làm sai lệch năng suất đến hàng chục phần trăm.

Bên cạnh đó, trong định mức hiện hành chưa thể hiện rõ công nghệ thi công của hoạt động xây dựng nên dẫn đến việc doanh nghiệp áp dụng tùy tiện theo hướng có lợi cho doanh nghiệp. Thực tế khi thi công, nếu áp dụng công nghệ tiên tiến sẽ có năng suất cao hơn rất nhiều so với công nghệ cũ, làm giảm chi phí. Thế nhưng khi lập dự toán, doanh nghiệp vẫn cố tình áp dụng cứng định mức đã có theo công nghệ cũ để làm tăng chi phí.

Có ý kiến cho rằng do năng lực của các đơn vị tư vấn, chủ đầu tư, nhà thầu trong việc điều chỉnh, sửa đổi và xây dựng định mức là hạn chế, việc phải sửa đổi hay xây dựng mới là tốn kém, mất thời gian…

Tuy nhiên, lý giải như vậy chỉ là ngụy biện khi mà tính ra hằng năm, số tiền thất thoát, lãng phí do cách tính định mức không phù hợp của những dự án đầu tư công ở Việt Nam còn lớn hơn nhiều lần số tiền mỗi chủ đầu tư phải bỏ ra cho việc sửa đổi hay xây dựng mới lại định mức cho phù hợp với từng dự án.

Giải pháp căn cơ

Ông Phạm Văn Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng chỉ ra rằng, các chính sách của nhà nước về việc vận dụng hệ thống định mức đang chồng chéo. Trong quản lý ngân sách, thanh tra, kiểm toán vẫn sử dụng hệ thống định mức công bố làm cơ sở.

Bên cạnh đó, khi nhà nước sửa đổi, bổ sung, công bố các định mức mới, các chủ thể liên quan thường chậm nghiên cứu vận dụng, nhất là trong việc thẩm tra, thẩm định dự toán, xây dựng tổng mức đầu tư, dẫn đến việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình thiếu nhất quán, có những cách hiểu khác nhau và là một trong những nguyên nhân gây thất thoát, lãng phí trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. Ngoài ra, Việt Nam còn thiếu hệ thống định mức cơ sở về năng suất lao động và năng suất máy, thiết bị thi công, chỉ có định mức sử dụng vật liệu là được quan tâm rà soát sửa đổi và bổ sung.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, phương pháp xác định định mức dự toán bộc lộ nhiều hạn chế và không phù hợp với cơ chế và nguyên tắc quản lý chi phí đầu tư xây dựng hiện hành, chưa gắn với điều kiện, yêu cầu cụ thể về tiến độ thi công của công trình xây dựng, chưa gắn với khối lượng thi công, công trình thi công lớn hay nhỏ đều chung định mức hao phí, chưa gắn với các điều kiện tổ chức thi công như: địa hình, địa chất công trình, địa điểm thi công và cũng chưa gắn với mức độ phức tạp về thiết kế của công trình…

Trước áp lực của nợ công cũng như những thất thoát, lãng phí trong đầu tư công, Nhà nước cần chủ động xác định định mức dự toán theo giá thị trường. Điều này không phải là để gia tăng quyền lực của Bộ, ngành quản lý chuyên môn mà đó là giải pháp căn cơ để quản lý chặt nguồn vốn từ ngân sách. Không thể có chuyện phân cấp nguồn lực tài chính đầu tư công cho các địa phương khi hệ thống định mức chưa theo cơ chế thị trường, nhận thức, trình độ của đối tượng được phân cấp còn hạn chế và có sự chênh lệch lớn giữa các địa phương.

Theo Baoxaydung.com.vn