Trung Quốc vẫn là thị trường cung cấp hàng nhập khẩu nhiều nhất nhưng mức nhập siêu đã giảm khá mạnh, khi doanh nghiệp (DN) Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này và chuyển hướng nhập khẩu từ các thị trường khác.
Tìm thị trường nhập khẩu thay thế
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1-2017 sang Trung Quốc đạt 1,9 tỉ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là mức tăng cao trong các thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ Trung Quốc trong tháng 1-2017 là 4,3 tỉ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ.
Nhập khẩu thiết bị từ Mỹ, châu Âu đang là xu hướng của nhiều doanh nghiệp Ảnh: TẤN THẠNH
Như vậy, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu qua Trung Quốc tăng cao hơn nhưng nhập khẩu lại giảm. Nhờ vậy, nhập siêu từ Trung Quốc năm 2016 cũng thể hiện khá rõ xu hướng này, ở mức hơn 28 tỉ USD – giảm đáng kể so với 32 tỉ USD của năm trước đó.
Phân tích từ thống kê của Tổng cục Hải quan về những mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam trong tháng 1-2017 cũng cho thấy nhập khẩu từ Trung Quốc giảm khá mạnh ở các nhóm điện thoại và linh kiện với 493 triệu USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ; sắt thép nhập 679.000 tấn, giảm 23,1%; vải các loại giảm 12,7% so với cùng kỳ…
Bộ Công Thương nhận định cơ cấu thị trường nhập khẩu bước đầu có sự chuyển dịch theo hướng đa dạng hóa, giảm dần tỉ trọng nhập khẩu từ châu Á do một số hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia đã có hiệu lực. Kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2016 tăng thấp, ở mức 0,5% so với năm 2015; trong khi từ Liên bang Nga tăng gần 54%, tương đương 1,14 tỉ USD; từ Úc khoảng 2,4 tỉ USD, tăng 20%.
Thị trường nhập khẩu đã chuyển biến tích cực. Máy móc, nguyên liệu cho sản xuất đã giảm dần phụ thuộc vào một thị trường, Việt Nam tăng dần nhập khẩu từ châu Âu, châu Mỹ. Quan trọng hơn, Việt Nam đã kiềm chế được tốc độ tăng trưởng nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc xuống ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Theo nld.com.vn