Đón đầu chủ trương của Chính phủ tái khởi động ngành công nghiệp ô tô trong nước sau hàng chục năm triển khai thất bại, nhiều doanh nghiệp ngoại đã nhanh chân đổ bộ vào nước ta, mở rộng quy mô đầu tư sản xuất lắp ráp lẫn lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT).
photo1533002087844 15330020878442045769281
Thống lĩnh sân khách

Thông tin công bố mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 6 tháng năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 20,33 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2017. DN FDI đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực.

Đáng chú ý, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực dẫn đầu, thu hút được nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp FDI với tổng số vốn đạt 7,91 tỷ USD, chiếm 38,9% tổng số vốn đầu tư đăng ký. Trong đó, phần lớn doanh nghiệp FDI đầu tư vào mở rộng quy mô sản xuất ô tô và CNHT phục vụ trong ngành.

Còn nhớ giữa năm 2017, những thông tin của các hãng ô tô là doanh nghiệp FDI đưa ra trước khi thuế nhập khẩu từ khu vực nội khối ASEAN về 0% là sẽ rút lui khỏi thị trường Việt Nam, chỉ chuyên về nhập khẩu. Tuy nhiên, thời gian gần đây những tín hiệu đầu tư vào ngành này như nêu trên tiếp tục được nở rộ, minh chứng cho việc doanh nghiệp FDI không dễ dàng từ bỏ miếng bánh ngon mà doanh nghiệp nội địa chưa có dịp thưởng thức dù đã mất hàng chục năm bỏ công gầy dựng. Bởi trên thực tế, dù hiện nay cả nước có khoảng 300 doanh nghiệp ngành CNHT phục vụ cho sản xuất ô tô, trên tổng số 12.000 doanh nghiệp CNHT của cả nước, nhưng có đến 90% các nhà cung cấp linh kiện tại Việt Nam lại là các doanh nghiệp FDI.

“Đáng tiếc là dù đã có quy mô sản xuất khá lớn, nhưng hiện nay ngành CNHT trong nước vẫn chưa có nhà máy nào đầu tư vào chế tạo các bộ phận quan trọng của ô tô; chất lượng sản phẩm, phụ tùng linh kiện cung cấp trên thị trường còn kém, chưa đáp ứng được yêu cầu. Cùng với đó, giá thành xuất xưởng của các sản phẩm phụ tùng, linh kiện ô tô còn cao vì thế làm giảm sức cạnh tranh”, đại diện Cục Công nghiệp, Bộ Công thương, nhìn nhận.

Trong khi đó, chỉ chưa đầy nửa năm từ khi Chính phủ thể hiện quyết tâm muốn xây dựng ngành công nghiệp ô tô trở thành một trong những động lực của nền kinh tế, đồng thời có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi cụ thể; lập tức, các doanh nghiệp FDI đã nhanh chóng thay đổi chính sách đầu tư, quay lại với quyết tâm thống lĩnh không chỉ ở mảng sản xuất lắp ráp, mà ngay trên lĩnh vực CNHT.

Đơn cử, Công ty Toyota Việt Nam (TMV) – đơn vị từng tuyên bố rút khỏi thị trường Việt Nam, sau đó đã quyết định nâng cấp, mở rộng dây chuyền sản xuất và tăng công suất nhà máy lên trên 90.000 xe. Dự kiến dây chuyền mới sẽ đưa vào hoạt động từ năm 2023.

Hiện nay, nhà máy ô tô của TMV đang làm việc theo 2 ca và sản lượng sản xuất đạt ngưỡng 50.000 xe/năm. Để mở rộng hoạt động, TMV cũng xin thuê thêm 9,1ha diện tích đất, bên cạnh hơn 21ha hiện có tại Vĩnh Phúc.

Tận dụng điểm mạnh sân nhà

Tương tự, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng vừa trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty TNHH Pyeong Hwa Automotive (Hàn Quốc) để thực hiện dự án xây dựng nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô tại Khu công nghiệp DEEP C II thuộc Khu kinh tế Đình Vũ, Cát Hải (Hải Phòng). Dự án nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô có tổng vốn đầu tư 16,7 triệu USD, trên diện tích 7ha. Theo kế hoạch, dự án sẽ khởi công trong quý 4-2018 và đi vào hoạt động trong tháng 9-2019 cùng với việc đưa ra thị trường 7,5 triệu sản phẩm/năm.

Trước đó, Công ty AAPICO Hitech đến từ Thái Lan và Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast vừa ký kết biên bản ghi nhớ thành lập nhà máy liên doanh dập và hàn các chi tiết thân vỏ xe. Nhà máy này sẽ cung cấp các chi tiết thân vỏ cho 2 mẫu xe đầu tiên của VinFast. Tổng số vốn đầu tư khoảng 60 triệu USD, trong đó, AAPICO nắm 51% vốn, VinFast có 49%.

Nhận định chung của hầu hết doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào sản xuất lắp ráp ô tô hay CNHT ô tô tại Việt Nam là nhờ lợi thế sân nhà thông qua vị trí địa lý và nguồn nhân lực trẻ. Bên cạnh đó, nhiều cơ chế chính sách với những điều khoản có lợi cho doanh nghiệp sản xuất CNHT ngành ô tô hoạt động ngay tại thị trường Việt Nam cũng là động lực thu hút doanh nghiệp FDI tìm đến Việt Nam.

Đánh giá về tác động khi có nhiều doanh nghiệp FDI tiếp tục ồ ạt đầu từ vào ngành công nghiệp ô ô hiện nay, đặc biệt ở lĩnh vực CNHT, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, vẫn lạc quan cho rằng: “Doanh nghiệp FDI đang đứng trong các chuỗi cung ứng có thể hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị của mình bằng cách chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật hoặc đào tạo nguồn nhân lực. Điều này không đơn thuần giúp Doanh nghiệp Việt Nam phát triển mà cũng chính là cách khiến doanh nghiệp đa quốc gia, FDI nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững hơn tại Việt Nam vì chủ động được nguồn cung ứng”.

Theo các chuyên gia, để ứng phó trước làn sóng đầu tư của doanh nghiệp FDI, đồng thời vực dậy ngành công nghiệp ô tô trong nước, các bộ ngành cần triển khai đánh giá một cách toàn diện về thực trạng, sẵn sàng tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành sản xuất ô tô. Trên cơ sở đó, rà soát, xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp ô tô thật tốt; nghiên cứu, thiết kế chiến lược bám sát với chuỗi giá trị sản xuất ngành ô tô trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, tái cơ cấu trên cơ sở dự báo và xác định lại chuỗi giá trị ngành sản xuất ô tô; ưu tiên phát triển những khâu trong nước có lợi thế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất linh kiện cần bắt tay, chia sẻ thông tin nhà cung cấp với nhau để thúc đẩy phát triển CNHT.

Theo dự báo, tăng trưởng sản xuất ô tô trong nước đạt bình quân 18,5% trong giai đoạn 2018 – 2025. Sản lượng sản xuất sẽ đạt khoảng 531.585 xe vào năm 2025 và 1,767 triệu xe vào năm 2035. Hiện tại, thị trường tiêu thụ trên dưới 300.000 xe/năm.

Theo Cafef.vn