Ngày 4/7, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị triển khai Thông tư 15/2018/TT-BYT cho các tỉnh khu vực phía Nam. Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho rằng, cần phải có sự điều chỉnh giá dịch vụ y tế nhằm đảm bảo sự cân đối quỹ Bảo hiểm y tế
photo1530750056910 1530750056910393130725
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, Thông tư 15 là bước tiến quan trọng trong lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; làm tăng quyền lợi của người có thẻ Bảo hiểm y tế, góp phần làm tăng tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế; đồng thời khuyến khích các cơ sở tuyến dưới phát triển kỹ thuật, tăng số đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên, hạn chế chỉ định kỹ thuật, thủ thuật không cần thiết…

Lý giải về việc ban hành Thông tư này, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho rằng, cần phải có sự điều chỉnh giá dịch vụ y tế nhằm đảm bảo sự cân đối quỹ Bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, những năm gần đây, với việc đấu thầu tập trung các vật tư y tế và thuốc đã làm giảm giá đáng kể một số vật tư, hóa chất, thuốc so với trước, trong khi một số chi phí khác lại tăng lên nên việc điều chỉnh này là để phù hợp với tình hình thực tế.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cũng nhìn nhận, khi Thông tư 15 đi vào thực tiễn sẽ có ảnh hưởng nhất định đến các cơ sở y tế, cụ thể là giảm nguồn thu dịch vụ y tế của các đơn vị này. Do đó, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện cần có kế hoạch căn cơ, sử dụng có hiệu quả nguồn lực của mình, tiết kiệm chi phí, sử dụng nhân lực hợp lý, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng hiệu quả hoạt động thường xuyên của đơn vị nhưng vẫn phải luôn đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người bệnh tham gia Bảo hiểm y tế.

“Các bệnh viện cần cân đối chi phí của đơn vị mình, thậm chí là cắt giảm những chi phí không cần thiết để đảm bảo hoạt động, nhưng tuyệt đối không được bớt xén quyền lợi của người bệnh”, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn yêu cầu.

Cùng chung quan điểm, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh các cơ sở y tế đang phải thực hiện lộ trình tự chủ tài chính thì việc điều chỉnh Thông tư 15 này sẽ khiến các cơ sở y tế gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, khi Chính phủ chưa cho phép thay đổi mệnh giá thu Bảo hiểm y tế đến năm 2020 thì về cơ bản, Thông tư 15 sẽ giúp cho Quỹ khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế bền vững hơn. Do đó, các bệnh viện cần cân đối, điều tiết làm sao để hài hòa lợi ích giữa các bên bởi nếu Quỹ khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế không cân đối được thì sẽ có nhiều khó khăn phát sinh hơn trong nội tại các bệnh viện.

Trước đó, ngày 30/5/2018, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 15/2018/TT-BYT thay thế Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC, trong đó điều chỉnh giá một số dịch vụ khám chữa bệnh, trong đó có 70 dịch vụ được điều chỉnh giảm trung bình từ 5% đến 24%, gồm: giá khám bệnh, giá ngày giường và giá các loại xét nghiệm;

Có 9 dịch vụ điều chỉnh tăng khoảng 5%, trong đó có giá giường hồi sức tích cực, giường hồi sức cấp cứu. Thông tư 15 cũng bổ sung giá của 9 loại dịch vụ kỹ thuật mới giúp những bệnh nhân tham gia bảo hiểm y tế được thanh toán. Thông tư 15/2018/TT-BYT bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 15/7/2018.

Theo Cafef.vn