Đó là ý kiến của ông Lê Đình Quảng – Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) khi đánh giá về nội dung điều chỉnh tuổi hưu trong Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động giới của các chính sách trong đề nghị xây dụng Bộ Luật Lao động (sửa đổi).
ha
Công nhân Công ty TNHH Exedy Việt Nam (KCN Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên). Ảnh: Báo Vĩnh Phúc
Theo Dự thảo về chính sách điều chỉnh tuổi hưu, tình trạng nghỉ hưu và đảm bảo chế độ hưu trí của người lao động (NLĐ) bộc lộ những bất cập như: Tuổi nghỉ hưu thấp và có sự khác biệt về tuổi nghỉ hưu của nam và nữ; việc đảm bảo chế độ hưu trí cho NLĐ đang phải đối diện với sự mất cân bằng tài chính có nguy cơ dẫn đến vỡ quỹ hưu trí vào năm 2035…

Về vấn đề đề xuất chính sách tăng tuổi hưu, ông Lê Đình Quảng – Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam- cho rằng, băn khoăn nhất của đề xuất chính sách tăng tuổi hưu là hầu hết đề xuất chính sách không phân biệt từng nhóm lao động, từng công việc ngành nghề cụ thể. Việc để “chung một giỏ” tăng tuổi nghỉ hưu nói chung và tăng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ thì rõ ràng chính sách sẽ có những bất cập, tác động không tốt.

Đánh giá về Báo cáo đánh giá tác động giới của các chính sách trong đề nghị xây dụng Bộ Luật Lao động có nêu, nếu không sửa đổi tuổi hưu thì 2035 quỹ sẽ vỡ, tất cả người lao động với nam dưới 40 tuổi, nữ dưới 35 tuổi sẽ không nhận được lương hưu sau khi nghỉ hưu, ông Quảng cho rằng đây là nhận định không chính xác.

Lý giải về vấn đề này, ông Quảng cho hay, khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, Tổ chức lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO) nghiên cứu đưa ra đánh giá về quỹ đến 2034 khả năng mất cân đối. Vì vậy, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã sửa đổi nhiều vấn đề. Hiện nay, Bộ Tài chính sẵn sàng chứng minh nhận định trên không có cơ sở. Nhận định này rất nguy hiểm trong việc thực thi chính sách bảo hiểm xã hội, khiến nhiều người lao động thôi việc hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần tránh nguy cơ vỡ quỹ tăng lên.

Để đảm bảo bình đằng giới trong chính sách tăng tuổi hưu, nhiều chuyên gia cho rằng cần đề xuất tuổi hưu giữa nam và nữ bằng nhau. Tuy nhiên, Báo cáo đánh giá tác động giới này vẫn đề xuất tuổi hưu giữa nam và nữ có khoảng cách.

Trao đổi về vấn đề này, ông Quảng cho biết: “Thực ra, đến một thời điểm nào đó cần có lộ trình tuổi nghỉ hưu của nữ phải bằng nam. Tuy nhiên, thời điểm sửa đổi Luật Lao động hiện nay phải có tiếp cận dần, đề xuất tuổi hưu là 60 tuổi với nữ và 62 tuổi với nam thuyết phục hơn. Phải có lộ trình giảm khoảng cách chứ không phải nâng tuổi hưu lên bằng nhau luôn”.

“Đối với tuổi nghỉ hưu, chúng ta đang tiến tới xóa bỏ khoảng cách giới trong độ tuổi nghỉ hưu của nam và nữ. Chính phủ sẽ có lộ trình để giảm khoảng cách giới giữa lao động nam và nữ”, bà Dương Thị Thanh Mai – Trưởng nhóm Đánh giá tác động giới của Bộ Luật Lao động cho biết thêm.

Theo laodong.vn