Dự án xây dựng Hành lang kinh tế Đông Tây 2 (Quốc lộ 14D) là một trong những dự án giao thông quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế – xã hội và an ninh-quốc phòng của TP. Đà Nẵng.

hanh-lang-kinh-te-Dong-Tay 2-noi-cac-nuoc-Viet-Nam

Hành lang kinh tế Đông – Tây 2 nối các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar
 
UBND thành phố Đà Nẵng vừa có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm sớm thống nhất bổ sung Dự án xây dựng Hành lang kinh tế Đông Tây 2 vào danh mục vay vốn ODA giai đoạn 2017-2020 để báo cáo Thủ tướng xem xét, thông qua.
 
Theo UBND thành phố Đà Nẵng, Dự án xây dựng Hành lang kinh tế Đông Tây 2 (Quốc lộ 14D) là một trong những dự án giao thông quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế-xã hội và an ninh-quốc phòng của TP. Đà Nẵng và đã được xác định tại Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) và Kết luận 75-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI).
 
Dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc sử dụng vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Bộ GTVT đã có Công văn đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, chấp thuận đề xuất dự án để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
 
Quốc lộ 14D là tuyến đường thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây 2 kết nối tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), kết nối tuyến Quốc lộ 14B từ cảng Tiên Sa (TP Đà Nẵng) và tiếp nối đoạn đường Hồ Chí Minh (từ Thạnh Mỹ đến Bến Giằng, tỉnh Quảng Nam) qua cửa khẩu Đắc-Tà-Oọc nối với Quốc lộ 16B (Lào) đến Sê-Kông, từ Sê-Kông theo đường Quốc lộ 16E đến Pắk-Sế, từ Pắk-Sế theo đường 217 và Quốc lộ 24 (Thái Lan) đến Nakhon về Bangkok tạo thành Hành lang kinh tế Đông – Tây thứ 2 nối các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar.
 
Hành lang này có vị trí thuận lợi và rất quan trọng đối với khu vực miền Trung-Tây Nguyên, đặc biệt là đối với Đà Nẵng trong việc phát triển kinh tế-xã hội và an ninh-quốc phòng.

Theo cafeland.vn