Nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí doanh nghiệp tuân thủ pháp luật. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đang xây dựng dự thảo cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
dstt 4 opt
Cải thiện môi trường kinh doanh

Trong những năm gần đây, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật là một trọng tâm trong nhiệm vụ của Chính phủ, nhằm góp phần giảm gánh nặng chi phí kinh doanh nói chung và chi phí tuân thủ pháp luật nói riêng cho doanh nghiệp. Theo khảo sát Doing Business 2018 của Ngân hàng thế giới, tổng mức thuế và chi phí bảo hiểm DN Việt Nam phải nộp chiếm 38,1% lợi nhuận trước thuế trong khi con số này ở Thái Lan là 28,7%, ở Indonesia là 30%. Khảo sát PCI 2017 cho thấy 59,3% DN cho rằng họ thường phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức; Lãnh đạo của khoảng 30% DN phải dành hơn 10% quỹ thời gian cho tìm hiểu và tuân thủ quy định pháp luật; 44% DN cho rằng thủ tục thuê, mua đất phức tạp; 16% DN cho rằng giá đất theo quy định nhà nước cao.

Nhìn chung, còn nhiều bấp cập trong các khoản chi phí tạo ra hoặc quy định mà DN phải trả. Do đó, năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế của DN bị hạn chế. Điều này cản trở việc thực hiện các chính sách về nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Để góp phần cắt giảm chi phí cho DN, nâng cao khả năng cạnh tranh và năng suất của nền kinh tế, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp cải cách hướng tới cắt giảm các chi phí bất hợp lý cho DN.

Xây dựng môi trường kinh doanh ổn định

Theo dự thảo sẽ cắt giảm triệt để các chi phí bất hợp lý trong tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh, đồng thời cắt giảm một phần đáng kể chi phí không chính thức cho doanh nghiệp; Tạo dựng môi trường kinh doanh chi phí thấp, ổn định, dễ tiên liệu; Khuyến khích đầu tư, gia nhập thị trường và cạnh tranh.

Trong đó, mục tiêu cụ thể là cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% điều kiện kinh doanh. Đến năm 2020, cắt giảm, đơn giản hóa quy định về đầu tư, đất đai, xây dựng, nộp thuế và bảo hiểm xã hội để đạt điểm số trung bình của ASEAN-4 theo Chỉ số Môi trường kinh doanh (Doing Business) của Ngân hàng thế giới; Giảm một nửa tỉ lệ doanh nghiệp cho rằng doanh nghiệp cùng ngành phải chi trả chi phí không chính thức theo khảo sát PCI đến năm 2020; Công khai 100% các hoạt động thanh tra, kiểm tra và kết quả xử lý trên trang internet của cơ quan có thẩm quyền; Chi phí thuế và bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp theo Doing Business giảm xuống mức trung bình ASEAN 4.

Để đạt được những mục tiêu nêu trên, Bộ KHĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan sửa đổi Luật Đầu tư theo hướng làm rõ khái niệm, nội hàm của cụm từ “điều kiện kinh doanh” để làm cơ sở đánh giá, theo dõi hệ thống quy định pháp luật về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; Đảm bảo phân biệt rõ khái niệm điều kiện kinh doanh và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Đơn giản hóa mẫu biểu, tờ khai về đăng ký DN; Giảm thành phần giấy tờ trong hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về đăng ký hộ kinh doanh trên cơ sở nghiên cứu phương án liên thông đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đối với hộ kinh doanh…

Về chi phí đầu vào sản xuất, kinh doanh, các bộ, ngành và địa phương phải tổ chức triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV và các văn bản hướng dẫn thi hành luật nhằm hỗ trợ DN tiếp cận các nguồn lực, góp phần giảm chi phí SXKD.

Về phí, lệ phí, tiền thuê đất và tiền khai thác tài nguyên đảm bảo các loại phí tuân thủ đúng nguyên tắc “cơ bản bù đắp chi phí” được quy định trong Luật Phí và Lệ phí năm 2015. Về chi phí không chính thức, đảm bảo quy định pháp luật về kinh doanh dễ hiểu, dễ tuân thủ, không hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Trường hợp pháp luật không rõ, không giải thích theo hướng bất lợi cho DN. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công khai, minh bạch hoạt động quản lý nhà nước.

Theo laodong.vn