Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được: Kinh tế công nghệ cao là quy luật phát triển tất yếu

19/04/2021

TTO – Hôm nay 19-4, tỉnh Long An tổ chức tọa đàm “Định hướng phát triển vùng công nghệ cao”. Trước buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Được – bí thư Tỉnh ủy Long An – có cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ.

Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được: Kinh tế công nghệ cao là quy luật phát triển tất yếu - Ảnh 1.

Long An ưu tiên mời gọi các dự án sản xuất ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, trong đó có dự án Nhà máy chế biến thanh long Châu Thành với diện tích 10ha, nhằm đáp ứng với nhu cầu phát triển cho hơn 11.000ha thanh long sẵn có trên địa bàn – Ảnh: SƠN LÂM

Long An với địa thế thuận lợi là tiếp giáp TP.HCM và cửa ngỏ ĐBSCL, vừa qua đã xây dựng được Cảng quốc tế Long An gắn với cửa biển sông Soài Rạp, chỉ cách sân bay Tân Sơn Nhất 30km. Từ cơ sở đó, tỉnh định hướng sẽ kiến nghị Chính phủ thành lập khu kinh tế ven biển để hiện thực hóa chủ trương hình thành vùng kinh tế công nghệ cao của tỉnh Long An.

“Tất cả các dự án nhà máy, xưởng sản xuất dù lớn hay nhỏ trên địa bàn Long An đều phải làm đánh giá tác động môi trường và cam kết các loại chất thải ra môi trường phải đạt chuẩn loại A.”
Ông Nguyễn Văn Được (bí thư Tỉnh ủy Long An)

* Thưa ông, động lực nào để khiến tỉnh đang triển khai việc chuyển đổi sang kinh tế công nghệ cao một cách quyết liệt như hiện nay?

– Tôi nghĩ quy luật của mọi sự phát triển đều đi từ thấp đến cao, và phát triển kinh tế cũng phải tuân thủ quy luật ấy. Nhìn lại quá trình thu hút đầu tư của tỉnh Long An trong hơn 20 năm qua, tuyệt đại đa số là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, trình độ công nghệ trung bình và thậm chí số ít mang công nghệ đã lạc hậu. Điều này không chỉ khiến giá trị gia tăng kinh tế thấp mà còn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Trên hết là sự đóng góp của các doanh nghiệp này chưa tương xứng với sự kỳ vọng của tỉnh. Từ những kinh nghiệm của một số tỉnh thành phía Bắc như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, tôi nhận ra việc muốn phát triển, lãnh đạo tỉnh phải thực sự quyết tâm trong việc “dọn ổ cho đại bàng đáp”, và một khi đại bàng bố mẹ đáp thì sẽ kéo theo đàn “đại bàng con”.

Như vậy mới có cơ sở để hình thành một hệ sinh thái công nghiệp phát triển với trình độ công nghệ tiên tiến, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường và mang lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế.

Như tại Long An thời gian qua, nhờ quyết tâm, tỉnh đã thu hút được dự án điện khí của một nhà đầu tư Hàn Quốc với số vốn 3,1 tỉ USD. Từ đó, nhiều nhà đầu tư lớn của Hàn Quốc cũng tiếp tục đến với Long An để nghiên cứu tham gia phát triển.

* Một trong những thách thức lớn ở ĐBSCL nói chung là nguồn nhân lực và biến đổi khí hậu, nguy cơ ô nhiễm môi trường khi đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp. Tỉnh sẽ giải quyết những vấn đề này thế nào, thưa ông?

– Đúng là vấn đề nhân lực và môi trường là 2 nhiệm vụ mang tính chiến lược và đầy cam go. Đảng đã khẳng định con người luôn là yếu tố quyết định, là then chốt của then chốt. Và muốn chuyển đổi số thành công thì trước hết phải có “con người số”.

Muốn công nghiệp phát triển thì phải có chuyên gia, kỹ sư giỏi, có đội ngũ công nhân trình độ chuyên môn cao. Hiện Tỉnh ủy Long An đã ban hành nghị quyết về đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh. Để thực hiện thắng lợi nghị quyết, Tỉnh ủy đã yêu cầu người đứng đầu các cấp, các ngành phải thực sự có ý chí, quyết tâm mạnh mẽ và bố trí đủ nguồn lực ngân sách để thực hiện.

Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được: Kinh tế công nghệ cao là quy luật phát triển tất yếu - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Được – bí thư Tỉnh ủy Long An

Bên cạnh đó, Tỉnh ủy cũng đã chủ trương phát triển bền vững, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển bằng mọi giá. Tất cả các dự án nhà máy, xưởng sản xuất dù lớn hay nhỏ trên địa bàn tỉnh đều phải làm đánh giá tác động môi trường và cam kết chất thải ra môi trường phải đạt chuẩn loại A. Định hướng tới đây, tỉnh sẽ ưu tiên tiếp nhận những dự án có trình độ công nghệ từ trung bình tiên tiến trở lên, ưu tiên công nghệ thân thiện môi trường, công nghệ sạch.

* Đã từng là lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách kinh tế trong thời gian dài, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm bản thân khi gặp gỡ, mời gọi các doanh nghiệp tiềm năng?

– Thực ra, bản thân tôi cũng còn phải học hỏi nhiều kinh nghiệm từ các tỉnh bạn như tôi đã nêu ở trên. Tôi nghĩ để thành công, bản thân phải luôn giữ được sự vui vẻ, chân thành. Ngoại ngữ là một lợi thế và tôi lúc nào cũng “thủ” bí quyết biết người biết ta, trăm trận trăm thắng (cười).

Còn đứng ở vai trò lãnh đạo, phải quyết liệt chỉ đạo và kiểm soát quyền lực cấp thực thi nhưng cũng phải luôn biết lắng nghe, nghiêm túc chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc bằng các hạn thời gian cụ thể rõ ràng. Những nhà đầu tư lớn, nhiều khi họ hứng thú bỏ vốn chỉ vì thích sự quyết liệt của lãnh đạo trong công việc.

Tọa đàm “Định hướng phát triển vùng công nghệ cao” nằm trong chương trình xúc tiến đầu tư và hợp tác quốc tế trong và ngoài nước của tỉnh Long An, thu hút nhiều tập đoàn công nghệ cao hàng đầu thế giới và các chuyên gia, các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ nhằm cùng nghiên cứu, thảo luận về định hướng phát triển tỉnh Long An trở thành “vùng kinh tế công nghệ cao, bao gồm phát triển khu công nghệ cao gắn liền với đô thị số thông minh”.

vo quoc thang

* Ông Võ Quốc Thắng – Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm GROUP:

“Chúng tôi không ngần ngại đầu tư cảng long an”

Các doanh nghiệp tại Long An hiện nay đã quy tụ thành một cộng đồng lớn mạnh, đủ sức để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp, dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ông Võ Quốc Thắng

“Từ năm 1993, tôi đã chọn Long An để đầu tư vì tôi đánh giá địa phương này hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi, đảm bảo cho sự phát triển vượt bậc trong tương lai. Thứ nhất, quy mô, lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp tại Long An hiện nay đã quy tụ thành một cộng đồng lớn mạnh, đủ sức để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp, dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh. Chỉ từ một tỉnh thuần nông thuộc ĐBSCL, hiện tỉnh này đã có chỉ số năng lực cạnh tranh đứng thứ 3 của cả nước, khoảng 13.200 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng số vốn là 338.000 tỉ đồng. Toàn tỉnh hiện đang có 62 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 3.100ha, 35 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 11.000ha…

Thứ hai, chính quyền địa phương có truyền thống cởi mở, gần gũi, luôn lắng nghe và tiếp thu những kiến nghị phù hợp từ doanh nghiệp. Theo tôi, đây là điều rất quan trọng giúp doanh nghiệp giải quyết được nhiều vướng mắc kịp thời. Hơn nữa, định hướng chú trọng kết nối phát triển cả vùng ĐBSCL là xu thế kinh tế rất hợp thời, bởi tư duy phát triển theo địa phương vốn đã không phù hợp nữa.

Tôi đánh giá rất cao việc chỉ trong một thời gian ngắn, tỉnh đã phát huy rất nhanh chóng thế mạnh vị trí địa lý của mình khi đầu tư các tuyến giao thông kết nối được với TP.HCM và ĐBSCL, cùng chi chít các ngả đường khác nối vào hệ thống tỉnh lộ 830, quốc lộ 50, cao tốc Trung Lương – TP.HCM, quốc lộ 1 và rồi đây sẽ tiếp tục kết nối với các đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc Bến Lức – Long Thành… Có thể nói, Long An đã trở thành điểm trung chuyển thuận lợi không chỉ giữa TP.HCM với ĐBSCL mà còn với các tỉnh miền Đông Nam Bộ như Tây Ninh, Bình Phước hay cả với nước bạn Campuchia.

Đó là lý do mà chúng tôi đã không ngần ngại đầu tư Cảng quốc tế Long An để làm đầu tàu cho việc phát triển logistics tại địa phương. Không chỉ thế, hiện tôi cùng một số doanh nghiệp đang ấp ủ thực hiện đề án “Tàu buýt container”. Với mạng lưới sông ngòi dày đặc, một khi đề án này được thực hiện sẽ tạo một hệ thống vận tải đường thủy kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kích thích phát triển toàn diện cho tương lai không chỉ của tỉnh Long An, của vùng ĐBSCL mà còn là sự phát triển chung của kinh tế đất nước”.

S.L. ghi

Tin tức khác