Ở lần thứ 6 này, giải đấu thu hút 365 HLV, VĐV từ 24 vùng lãnh thổ đăng kí tham dự, tranh tài ở 44 bộ huy chương bao gồm 26 nội dung thi quyền và 18 hạng cân đối kháng ở cả nam và nữ. So với năm 2017 tại Ấn Độ với gần 350 HLV, VĐV đến từ 19 quốc gia trên thế giới, giải năm nay có thêm nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự hơn.
Theo đó, lần đầu tham dự giải Vovinam cấp thế giới: ở khu vực châu Á có Singapore, Pakistan và Đài Loan (Trung Quốc). Về khối Ả Rập có Ai Cập và Libya.
Với chất lượng chuyên môn cao, đặc biệt sự tiến bộ vượt bậc của võ sinh các nước mang đến làn gió mới cho sự phát triển của phong trào Vovinam
Họ chính là luồng gió mới cho phong trào Vovinam thế giới với tình yêu dành cho môn võ Việt. Mặt khác, các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cũng có những động thái chuẩn bị lực lượng cho SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam khi môn Vovinam nằm trong kế hoạch được đưa vào thi đấu.
Lễ bế mạc còn có sự hiện diện của Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới, Phó Chủ tịch HĐQT Kienlongbank
Còn chủ nhà Campuchia có sự chuẩn bị kỹ càng trước khi đến với giải khi xây dựng lực lượng VĐV trẻ kế thừa suốt 2 năm qua. Nhờ vậy, các võ sĩ chủ nhà Campuchia vượt qua Algieria để giành vị trí thứ hai trên bảng tổng sắp. Trong khi đó, Việt Nam khá vất vả bảo vệ thành công ngôi đầu toàn đoàn trước sự tiến bộ vượt bậc của các nước bạn.
Ông Florin Macovei (phải), tân tổng thư ký Liên đoàn Vovinam thế giới
Theo ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới: “Người đứng đầu các Liên đoàn Vovinam châu lục và khu vực của WVVF hiện nay đều không phải là người Việt. Với việc có thêm Tổng Thư ký không phải là người Việt, WVVF tiến thêm một bước nữa trên con đường trở thành một tổ chức thế giới thật sự, đưa Vovinam – Võ của người Việt Nam – thành một võ phái ngày càng được phổ biến và yêu mến trên toàn thế giới”.
Theo voh.com.vn