Theo Bộ Luật Dân sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2017), lãi suất cho vay tiêu dùng, cho vay trả góp của các công ty tài chính sẽ phải áp mức trần 20%/năm, trong khi các công ty tài chính và ngân hàng thương mại hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng 2010, cho phép thỏa thuận lãi suất

Theo quy định tại khoản 1 điều 468 Luật Dân sự 2015, có hiệu lực từ ngày 1-1-2017, lãi suất của các hợp đồng vay tài sản do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì cũng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

Quy định khác nhau

Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

cho-vay-tieu-dung
Cho vay tiêu dùng tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây Ảnh: Tấn Thạnh

Vậy các khoản cho vay tiêu dùng, cho vay trả góp của công ty tài chính, ngân hàng thương mại có phải chịu mức lãi suất trần 20%/năm? Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP HCM, cho biết các công ty tài chính và NH thương mại hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (luật chuyên ngành – PV) cho phép thỏa thuận lãi suất nên không áp dụng theo Luật Dân sự 2015.

Trong dự thảo thông tư quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính mà NHNN đang lấy ý kiến, cũng quy định lãi suất cho vay tiêu dùng do công ty tài chính và khách hàng thỏa thuận phù hợp với quy định.

Theo các chuyên gia, việc áp trần lãi suất cho vay đối với các hoạt động dân sự nhằm bảo đảm cho người dân có mức tiếp cận lãi suất hợp lý, tránh trường hợp khách hàng ở thế yếu khi vay trên thị trường tài chính. Tuy nhiên, một số công ty tài chính cho rằng nếu áp quy định này đối với hoạt động cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng là chưa thực tế.

Phân khúc cho vay tiêu dùng thường là tín chấp, không có tài sản bảo đảm và thủ tục đơn giản, khách hàng ở phân khúc này phần lớn là thu nhập thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro… nên mức lãi suất vay phải cao hơn vay NH để bù trừ rủi ro.

Cần phân biệt rủi ro và không rủi ro

Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cho rằng nên để thị trường tự điều tiết và các tổ chức tín dụng tự thỏa thuận lãi suất với khách hàng, nhất là trong xu hướng tự do hóa lãi suất. Thông thường, khách hàng không tiếp cận được vốn NH do thiếu tài sản bảo đảm, không chứng minh được khả năng tài chính… mới vay tiêu dùng. Nay áp trần lãi suất vay tiêu dùng bằng với lãi suất NH sẽ làm méo mó thị trường tài chính, không có sự phân biệt giữa khách hàng rủi ro và khách hàng không có rủi ro.

Bà Vương Thủy Tiên, thành viên HĐTV Công ty Tài chính Home Credit, nhận định dù lãi suất cho vay tiêu dùng sẽ áp dụng theo luật chuyên ngành nhưng thực tế, khi phát sinh tranh chấp và kiện ra tòa thì cơ quan tố tụng thường dựa vào Luật Dân sự.

Do đó, các công ty tài chính cũng lo lắng khi triển khai quy định, mỗi cơ quan sẽ có cách hiểu khác nhau. Để làm rõ những quy định trong Luật Dân sự 2015 và tránh hiểu lầm về trần lãi suất vay tiêu dùng, một số công ty tài chính đã kiến nghị NHNN cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung luật chuyên ngành cho phù hợp và không trái với Luật Dân sự.

Theo nld.com.vn