Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu bảy bộ theo chức năng phải phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, ban hành danh mục hàng hóa xuất – nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan thuộc lĩnh vực phụ trách, đảm bảo số lượng danh mục kiểm tra chuyên ngành ít nhất, thống nhất và không chồng chéo.
e63a6 nhan nang luong
Bộ Công thương đã bãi bỏ thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong việc dán nhãn năng lượng, vốn gây khó dễ và tốn kém cho doanh nghiệp trong gần 10 năm qua. Ảnh:TL
Cách đây hai năm, Thủ tướng đã có quyết định (số 2026/2015) về nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đặc biệt là rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý phục vụ cho hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Các cơ quan cũng được yêu cầu áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa; đơn giản hóa về thủ tục, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa; chuyển mạnh sang hậu kiểm.

Tuy nhiên, hiệu quả của quyết định trong thực tế kiểm tra chuyên ngành không cao và chuyển biến chậm. Nhiều bộ vẫn để hàng “rừng” thủ tục kiểm tra chuyên ngành như Bộ Công Thương trước khi liên tiếp ra các quyết định bãi bỏ gần đây.

Chỉ thị 27 mà Thủ tướng ban hành cách đây vài ngày cũng nhằm mục đích thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu ngày một thuận lợi hơn.

Theo đánh giá của Chính phủ, đến tháng 4-2017 có trên 328.000 bộ hồ sơ hành chính được xử lý trên Cổng thông tin điện tử quốc gia với 11.000 doanh nghiệp tham gia; thời gian thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa đã giảm… nên góp phần giảm chi phí, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế.

Song, tiến độ triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016 – 2020 của một số bộ, ngành còn chậm, phức tạp, chồng chéo; giải pháp công nghệ, phương án đầu tư tài chính và tổ chức thực hiện còn vướng mắc, khó khăn.

Do vậy, Thủ tướng đã yêu cầu tập trung thực hiện ngay việc rà soát, hoàn thiện cơ sở pháp lý và các thủ tục hành chính để phục vụ cho việc triển khai này, đồng thời phải xây dựng, triển khai hệ thống công nghệ thông tin để thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia theo hướng tập trung trên nền tảng Cổng thông tin một cửa quốc gia, đẩy mạnh thuê dịch vụ trong việc cung cấp các tiện ích cho doanh nghiệp và người dân trên cổng này, tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật để đảm bảo cung cấp các dịch vụ công quốc gia.

Người đứng đầu Chính phủ cũng thúc giục các bộ phải đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành nhưng theo hướng đơn giản, thuận lợi nhất. Tất cả việc rà soát phải hoàn tất trong tháng 10-2017 và việc đầu tư nâng cao hệ thống thông tin hoàn tất trong tháng 12-2017.

Tháng 12-2017 cũng là thời điểm phải hoàn thiện khung pháp lý để triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng tạo thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục, cho phép kết nối và trao đổi chứng từ điện tử với các đối tác thương mại quốc tế.

Định kỳ 6 tháng (trước ngày 25-6 và trước ngày 25-12), các bộ, ngành báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Chỉ thị 27 gửi Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) để báo cáo Thủ tướng.

Theo thesaigontimes.vn