Sau quý I đạt tăng trưởng khả quan tăng 7,45%, tăng trưởng của quý II/2018 đã giảm xuống còn 6,79%. Nguyên nhân làm chậm tăng trưởng GDP là ngành Công nghiệp chế biến chế tạo, từ chỗ tăng 13,56% trong quý I đã giảm xuống 13,02% sau 6 tháng.
gdp
GDP bán buôn bán lẻ 6 tháng tăng mạnh 8,21% so với mức tăng 7,45% trong quý I. Điều này trái ngược với sự giảm tốc của chỉ số bán lẻ 6 tháng.

Kinh doanh bất động sản, ngành đứng thứ 2 trong lĩnh vực dịch vụ sau bán buôn bán lẻ đạt tăng trưởng 4,21%, cao nhất 6 năm. Đây là một bất ngờ lớn nhưng cũng rất khó hiểu bởi thị trường bất động sản trong năm 2018 không thể ấm hơn 2017. Theo CBRE, số lượng căn hộ chào bán mới tại TPHCM trong Quý II là 6.109 căn hộ, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng căn hộ giao dịch thành công quý II đang ở mức thấp nhất trong vòng 2 năm do quy định siết tín dụng với bất động sản và dư âm của vụ cháy chung cư hồi tháng 3. Thị trường bất động sản trong quý II chỉ ghi nhận cơn sốt đất ngắn ở vùng ven và các khu vực dự kiến hình thành đặc khu. Tuy vậy nếu tính cơn sốt đất này vào GDP, độ tin cậy của số liệu sẽ không cao.

Tăng trưởng của dệt may, sắt thép, dược và xe có động cơ tiếp tục xu hướng tích cực trong tháng 6.

Chỉ số công nghiệp sản xuất xe có động cơ tăng 8%, là mức tương đối cao trong 1 năm trở lại đây. Theo số liệu của VAMA, lượng xe sản xuất trong nước bán được trong 5 tháng đầu năm là 87,4 nghìn chiếc, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi số xe nhập khẩu bán được giảm 47,4% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 16,3 nghìn chiếc. Đây có thể coi là kết quả của Nghị định 116/2017, khung pháp lý mới nhằm hỗ trợ sản xuất ôtô trong nước cũng như đưa ra các điều kiện khắt khe để hạn chế nhập khẩu xe nguyên chiếc.

Ngành nông nghiệp đang có tăng trưởng tốt nhờ thời tiết thuận lợi và thị trường xuất khẩu gạo mở rộng. Được mùa và trúng thầu nhiều lô gạo xuất khẩu, giá gạo trong nước duy trì ở mức cao so với mặt bằng của năm 2017.

“Tựu chung lại từ số liệu kinh tế quý II, chúng tôi quan ngại về tăng trưởng cho 6 tháng cuối năm 2018 với lý do chính là công nghiệp điện tử giảm tốc, kéo theo không chỉ tăng trưởng của ngành công nghiệp nói chung mà cả lĩnh vực dịch vụ do mối liên hệ giữa tăng trưởng lao động công nghiệp với sức cầu tiêu dùng. Những yếu tố khác cũng cần phải lưu ý đó là ngành khai khoáng tăng trưởng âm và xuất khẩu một số mặt hàng sang thị trường Trung Quốc đang chậm lại” – đại diện của Công ty chứng khoán SSI cho biết.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh này, sự vươn lên của sắt thép, dệt may và dược là tín hiệu đáng mừng. Doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng tối đa thời cơ để chiếm lĩnh thị phần trước khi luật chơi lại thay đổi.

Rủi ro toàn cầu đang tăng nhanh, xuất phát từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và sâu xa hơn là chủ nghĩa dân túy đang lên ngôi. Dẫu vậy, quan điểm hợp tác quốc tế vẫn còn hiệu hữu mà bằng chứng là hiệp định CPTPP. Cánh cửa cho Việt Nam ra thế giới vẫn còn rộng mở, dù có hẹp hơn so với kỳ vọng. Sự vươn lên của khối doanh nghiệp trong nước trong thời gian gần đây đang hứa hẹn một sự thay đổi lớn trong cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào khối FDI. Dẫu vậy, nếu các doanh nghiệp tư nhân của Việt có thành công thì thời gian cũng khó kịp để bù đắp cho sự giảm sút vào nửa cuối năm 2018.

“Trước mắt chúng ta có thể phải chấp nhận mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng là 7% trong năm 2018, thậm chí mục tiêu 6,8% cũng dần trở nên thách thức. Nhu cầu phải tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công… càng trở nên cấp thiết để tạo nền tảng cho tăng trưởng cao hơn cho các năm tiếp theo” – chuyên gia SSI nhận định.

Theo laodong.vn